Máy camcorder bình dân Máy quay phim kết hợp

Analog và digital

Camcorder thường được phân loại theo vật lưu trữ mà nó dùng: VHS, Betamax, Video8 là những loại cũ, ghi theo dạng analog. Camcorder loại mới thì có Digital8, miniDV, DVD, đĩa cứng và bộ nhớ bán dẫn (flash), tất cả đầu ghi theo dạng digital. Chip thu hình là một linh kiện analog, nên chữ digital ở đây nói về việc xử lý và ghi tín hiệu video.

Những dạng ghi digital tốt nhất, như là miniDV và Digital Betacam, có ưu điểm so với dạng analog ở chỗ rất ít hoặc gần như không bị giảm chất lượng khi ghi, sao chép, và biên tập (dạng ghi MPEG-2 và MPEG-4 thì chỉ bị giảm chất lượng khi biên tập). Trong khi các vấn đề về nhiễu và băng thông ở dây dẫn, bộ khuếch đại và bộ trộn ảnh hưởng đáng kể việc ghi dạng analog, thì những vấn đề đó rất ít hoặc không có ảnh hưởng ở dạng digital và các chỗ kết nối digital (IEEE 1394, SDI/SDTI, hoặc HDMI). Cả hai dạng analog lẫn digital đều có vấn đề về thời gian lưu trữ. Về mặt lý thuyết thì thông tin dạng digital có thể được giữ vĩnh viễn trong những vật chứa digital (như đĩa cứng), nhưng không vĩnh viễn trong các vật chứa khác. Băng analog và digital đều bị xuống cấp theo thời gian. Đĩa DVD để lâu cũng bị rã. Một ưu điểm của analog trong phương diện này là khi bị xuống cấp thì băng analog vẫn còn xài được, còn băng digital kể như hết xài (trừ khi được phục hồi một cách tốn kém).

Vật chứa hiện đại

Một số máy camcorder đời mới ghi video vào bộ nhớ flash (theo dạng MPEG-1, MPEG-2, hay MPEG-4), Microdrive, đĩa cứng nhỏ hoặc DVD-RAM, DVD-R theo dạng MPEG-2. Nhưng những cách ghi này có hạn chế về thời gian ghi tùy theo vật chứa, và những dạng ghi đó khó biên tập.

Phần lớn máy camcorder bình dân ghi băng theo dạng DV hay HDV và truyền nội dung đó qua FireWire hoặc USB 2.0 tới máy tính, ở đó nó được ghi thành những file rất lớn (1GB chỉ chứa chừng 4 tới ô,6 phút video theo dạng PAL/NTSC) và có thể biên tập, chuyển đổi và ghi trở lại băng. Việc truyền từ camcorder vào máy thực hiện theo thời gian thực, nên truyền 60 phút băng cần đúng một giờ và sẽ chiếm chừng 14GB đĩa. Việc biên tập, cắt, lựa chọn, sắp xếp tốn thêm nhiều thời gian nữa.

Thị trường tiêu dùng phổ thông

Vì giới tiêu dùng phổ thông chuộng máy dễ dùng, dễ mang theo, giá phải chăng nên những máy camcorder phổ thông chú trọng đến những đặc điểm đó hơn là tính năng kỹ thuật. Ví dụ, khả năng quay phim ở nơi thiếu sáng cần có bộ cảm biến lớn, làm cho giá tiền và kích thước máy tăng lên. Do đó, camcorder phổ thông thường không có khả năng quay phim ở nơi thiếu sáng (một số máy của Sony có khả năng quay phim ban đêm). Điều chỉnh bằng tay thì tốn chỗ trong menu hoặc nút bấm và còn làm cho máy thêm khó dùng, nên cũng không đưa vào máy phổ thông những khả năng điều chỉnh thời gian mở ống kính, độ khuếch đại ánh sáng và âm thanh. Máy dành cho người mới bắt đầu chỉ có khả năng quay phim và phát lại rất đơn giản.

Những máy cho giới nghiệp dư nhưng đã biết nhiều (prosumer) thì có những tính năng khá hơn như là nhiều bộ cảm biến, ống kính tốt, điều chỉnh các thông số bằng tay... Nhưng ngay cả những máy ở mức giá 1000 USD như Panasonic GS250 cũng không thể quay phim rõ ở nơi thiếu sáng. Hình ảnh quay ở nơi thiếu sáng được khuếch đại lên sẽ xuất hiện nhiễu rất khó coi.

Trước thế kỷ 21, người dùng nghiệp dư khó biên tập video, cần phải có ít nhất hai máy ghi băng. Bây giờ, máy tính cá nhân thông dụng với những phần mềm không đắt lắm cũng có thể dùng để biên tập. Nhiều máy camcorder phổ thông có kèm theo một bản phần mềm biên tập đơn giản.

Cho tới năm 2007, vẫn còn tồn tại camcorder analog nhưng rất ít thấy trên thị trường, và thường có giá dưới 250 USD. Muốn biên tập với những máy đó cần phải có những thiết bị đặc biệt. Máy miniDV chiếm phần lớn thị phần camcorder ở các nước phương Tây. Máy camcorder ghi DVD cũng đang tăng thị phần, nhằm vào những người dùng không có ý định biên tập phim của họ.

JVC và Sony đã giới thiệu máy camcorder ghi vào đĩa cứng. Chúng có thời gian ghi lâu hơn các máy khác nhưng bù lại thì chất lượng ảnh kém hơn một chút và kém linh động trong sử dụng khi so với những máy như miniDV. Điểm hấp dẫn nhất của loại máy này là dễ dàng chép phim sang máy tính.

Những thiết bị có khả năng quay phim khác

Khả năng quay phim đã có trong một số máy điện thoại di động, máy ảnh số và một số thiết bị điện tử di động khác. Trong số đó, chỉ có máy ảnh số mới có thể cho đoạn phim có chất lượng tương đối khá, còn những thứ kia thì chỉ để quay phim cho có. Những phương tiện quảng cáo thường gọi phim cỡ 320x240 là "tương đương VHS", và cỡ 640x480 là "tương đương DVD". Một số máy ảnh số còn có thể quay phim cỡ 800x600 hoặc cỡ của truyền hình HD. Nhưng so với máy camcorder thứ thiệt thì chất lượng ảnh kém hơn nhất là ở nơi kém sáng. Phần lớn những thiết bị này không cho zoom khi đang quay phim vì sợ tiếng động cơ của ống kính zoom có thể lọt vào phim. Ống kính của chúng thường là loại lấy nét cố định hoặc tự lấy nét và không rõ như máy camcorder.

Chất lượng ảnh còn tuỳ thuộc vào kiểu nén và loại thiết bị. Tốc độ hình thì từ 30 hình/giây giảm xuống tới 10 hình/giây, hoặc tự thay đổi, càng tối thì càng chậm. Chiều dài đoạn phim cũng khác nhau, có thể không giới hạn hoặc là vài phút.

Máy camcorder MPEG-4 rẻ tiền có thể quay phim cỡ 320x240 nhưng chất lượng kém xa máy camcorder VHS-C. Ngoài ra, dạng MPEG-4 không thông dụng ở các phần mềm biên tập. Nếu quay ở chất lượng tốt thì kích thước file sẽ rất lớn, chưa đầy 10 phút đã hết 1GB.

Người ta chỉ dùng máy ảnh số để quay phim khi không quan tâm lắm về chất lượng.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Máy quay phim kết hợp http://www.camcorderinfo.com/ http://www.canon.com/camera-museum/ http://www.digitalcamcordernews.com/ http://electronics.howstuffworks.com/camcorder.htm http://www.internetvideomag.com/Articles-2006/1127... http://www.internetvideomag.com/makemovies100001.h... http://www.videointerchange.com/tape.htm http://www.kinodv.org/article/view/54/1/11/ http://www.osta.org/technology/dvdqa/ https://commons.wikimedia.org/wiki/Category:Camcor...